Chuyên gia CBRE: “Khi tìm kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nhà đầu tư nghĩ ngay đến BĐS”
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, dù có những thời điểm gặp khó khăn thì trong các kênh đầu tư hiện tại BĐS vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn an toàn dòng tiền nhất, được các nhà đầu tư quan tâm.
Thị trường BĐS đang tịnh tiến về “điểm lành mạnh”
Thời gian gần đây, lãi suất, lạm phát tăng đã khiến thanh khoản BĐS giảm và tâm lý thị trường bị xáo trộn. Điều hoang mang nhất là người mua khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Việc nới room tín dụng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường BĐS ở thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục rơi vào trạng thái xáo trộn tâm lý, quan sát nghe ngóng. Ở một số khu vực đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bán BĐS dưới giá vốn để thu dòng tiền. Nhưng khác với giai đoạn 2011-2013, BĐS hiện tại chưa diễn ra tình trạng bán tháo hay cắt lỗ ồ ạt.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, không tiếp cận được nguồn vốn vay chính là bài toán của các nhà đầu tư cá nhân và chủ đầu tư thời điểm này. Lúc thị trường khó khăn, nguồn vốn từ đâu, giải pháp vốn là gì đang khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu. Đây là thời điểm khá nhạy cảm của thị trường BĐS.
“Theo tôi, thị trường BĐS đang bước vào giai đoạn thanh lọc để chọn ra những sản phẩm có giá trị bền vững. Vào thị trường thời điểm này, nhà đầu tư nên thận trọng, không thể nóng vội như giai đoạn trước. Với bối cảnh hiện nay, thị trường BĐS đang tịnh tiến về điểm lành mạnh hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang sàng lọc. Giá bất động sản hiện nay là có giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn khi các doanh nghiệp cố gắng giải quyết các vấn đề về vốn. Về lâu dài thì giá bất động sản rất khó giảm vì nhìn vào cấu thành giá như tiền mua đất, phát triển dự án, xây dựng, chi phí bán hàng, vốn vay đều tăng.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cũng nhấn mạnh: Sự ảm đạm của thị trường BĐS cuối năm 2022 đã khiến những dự báo tươi sáng của thị trường trong năm 2023 trở nên khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng, thị trường sẽ thanh lọc và phát triển lành mạnh hơn trong năm mới.
Theo ông Quang, có thể nói, năm 2022 là một năm đặc biệt khi chứng khiến sự lên bổng xuống trầm của thị trường bất động sản. Dù có nhiều điểm sáng phục hồi sau đại dịch Covid-19 như đa dạng mô hình bất động sản nghỉ dưỡng, thay đổi xu hướng đầu tư, chú trọng giá trị thực, thị trường cũng đã có sự sàng lọc nhất định.
“Căn hộ giá vừa túi tiền, hoặc căn hộ đã bàn giao có sổ đỏ vẫn giao dịch tốt. Đồng thời, những sản phẩm nhà phố tại trung tâm thành phố lớn vẫn hấp dẫn. Tương tự, phân khúc đất nền của các tỉnh, thành gần Hà Nội, Tp.HCM có mức giá hợp lý sẽ không lo ế hàng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
BĐS là kênh “giữ tiền” tốt nhất cho nhà đầu tư
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, dù có những thời điểm gặp khó khăn thì trong các kênh đầu tư hiện tại BĐS vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn an toàn dòng tiền nhất, được các nhà đầu tư quan tâm. Trong quan điểm của nhà đầu tư cùng kinh nghiệm trải qua với BĐS, họ vẫn coi BĐS là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nếu đặt bàn cân với vàng, chứng khoán, tiền ảo….
“Trong các kênh đầu tư hiện tại thì BĐS vẫn là kênh đầu tư và trú ẩn được các nhà đầu tư quan tâm. Mức sinh lời phù hợp, khả năng giữ giá trị qua khủng hoảng và khả năng khai thác là các yếu tố nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến BĐS”, chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Vị này khẳng định, tại Hà Nội và Tp.HCM, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá. Các sản phẩm đầu tư tầm trung hiện tại rất khan hiếm. Nhiều nhà đầu tư dịch chuyển sang các thị trường khác để có được các sản phẩm giá phù hợp hơn.
Thực tế, ngay cả khi thị trường biến động, rất nhiều nhà đầu tư có tài chính tốt vẫn âm thầm săn BĐS. Khi có tiền mặt, nhà đầu tư thường chuyển qua tài sản, BĐS là kênh đầu tư mà đa số họ “chọn mặt gửi vàng”.
“Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhu cầu của nhà đầu tư là cố tìm một kênh đầu tư giữ giá trị tài sản tốt nhất, BĐS luôn được nghĩ đến đầu tiên”, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhấn mạnh.
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đóng góp khoảng 13,67% GDP, cùng với công nghiệp, thương mại – dịch vụ, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp… làm nên những trụ cột phát triển của đất nước. Khảo sát của Viện này cho thấy, giá BĐS hiện đã tăng rất mạnh trở lại. Thời điểm hiện nay đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tại một số dự án đã tăng đến 100%. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang bước vào đà tăng giá mạnh mẽ trong giai đoạn hồi phục hậu Covid-19.
Đưa lời khuyên nên đầu tư vào kênh nào hiện nay, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nhà đầu tư thường sợ rủi ro nên không bỏ trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng trong thời điểm hiện nay. Kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính…
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá trị bất động sản trên thị trường đang được gia tăng nhờ hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển, tạo kết nối các vùng kinh tế, liên vùng kinh tế… Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cung kéo theo giá bất động sản tăng cao. Theo đó, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư tại các khu vực có quy hoạch chất lượng, được đầu tư bài bản, giá đang ở mức thấp, dư địa còn lớn sẽ tạo ra giá trị tăng trưởng bất động sản cao sau này.
Nguồn: cafeF.vn