Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.
Lý giải cho nhận định này, ông Hà nói, ở quý đầu năm, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, room tín dụng được mở trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ, tạo đà phát triển trở lại.
Cũng theo ông Hà, thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới các thị trường khác như thị trường tài chính, làm gia tăng nợ xấu. Các lĩnh vực sản xuất khác cũng sẽ bị đình trệ. Đặc biệt, ngành vật liệu xây dựng sẽ gặp khó về tiêu thụ nếu thị trường bất động sản không phát triển được các dự án mới, từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngành xây dựng.
Chính vì vậy, Chính phủ sẽ cần khơi thông những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản bằng việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong thủ tục đầu tư, phát triển dự án để gia tăng nguồn cung mới cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để huy động được nguồn vốn trong dân, vốn từ trái phiếu, các quỹ đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho biết, thị trường có sự lệch pha, thiếu an toàn, thiếu ổn định do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật…, dẫn đến nhiều dự án vướng mắc, khiến nguồn cung thị trường bất động sản thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu…, kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.
Ông Châu cho rằng, năm tới được coi là “cơ hội vàng” để giải quyết những khó khăn, chồng chéo những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản. Bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
“Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đang được Quốc hội xem xét, một khi được thực thi sẽ tháo gỡ vướng mắc nguồn cung bất động sản…”, ông Châu nói.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định mốc thời điểm năm 2023 là giai đoạn phục hồi của bất động sản. Trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cơ bản.
“Thời điểm hiện tại, thị trường đang thanh lọc để minh bạch hơn. Trong thời gian tới, với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng sôi động trở lại”, ông Thịnh chia sẻ.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Trường Thắng – Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, sang năm 2023, với những sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý đầy đủ, thị trường sẽ có những bước phát triển trở lại, nhất là khi dòng vốn đầu tư công được giải ngân, tín dụng ngân hàng mở trở lại và các dự án triển khai hoàn thiện ra hàng nhiều hơn.
Nguồn: Dân trí