Thị trường BĐS biến động tăng trước mối lo ngại lạm phát
Lạm phát là một mức tham chiếu liên quan đến sự tăng giá của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, sản xuất hàng ngày.
Nhà cửa, hạ tầng, công trình xây dựng đều cần phải sử dụng các vật liệu để triển khai thi công hoàn thiện, nền kinh tế càng lạm phát thì mọi thứ giá sẽ tăng, như: giá gạch, đá, xi măng, sắt thép, trang thiết bị, chi phí nhân công,… mọi thứ tăng thì cấu thành giá bán cũng phải tăng để bù đắp chi phí.
Thị trường BĐS Việt Nam biến động tăng giá
Trong giai đoạn nền kinh tế chịu tác động chung bởi tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới, tại Việt Nam thị trường bất động sản biến động tăng giá. Theo dữ liệu thống kê thị trường cho thấy, từ 2015 – 2018, giá nhà trung bình của TP. Hồ Chí Minh chỉ từ 20 đến 28 triệu/m2, nhưng đến nay đã lên trên 40-50 triệu/m2, có những vị trí giá bán đã lên tới trên 500 triệu/m2. Cuối năm 2018, trên thị trường bất ngờ xuất hiện dự án căn hộ trên “đất vàng” quận 1, cách chợ Bến Thành vài phút đi bộ được chào bán với giá từ 160 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, mức giá của căn hộ này đã phá vỡ mọi kỷ lục về giá bán của các dự án căn hộ, nhưng hiện nay, giá của các dự án căn hộ hạng sang đã tăng hơn 2,5 lần với các dự án căn hộ có giá bán 18.000 USD (khoảng 423 triệu đồng)/m2.
BĐS tại Thủ đô Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng cao ở nhiều khu vực. Kể từ năm 2017 đến nay, giá bán căn hộ tại quận Long Biên tăng 12%/ năm; Các quận/huyện như: Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận giá tăng khá mạnh. Tương tự, với thị trường biệt thự/nhà liền kề, thống kê của Savills cho biết, mức tăng giá sơ cấp trung bình ở quận Hoàng Mai đối với nhà liền kề là 15% và 32% đối với nhà phố thương mại; ở huyện Hoài Đức là tăng 29% đối với biệt thư, 38% với liền kề, 59% đối với nhà phố thương mại. BĐS thấp tầng shophouse, biệt thự, liền kề khu vực Nam Từ Liêm, Mỹ Đình giá cũng đã tăng khoảng 40-50% so với cách đây 3 năm từ mức 180-200 triệu đồng/m² lên mức 300 triệu đồng/m². Thậm chí, so với đầu năm nay, nhà đất thuộc vùng ven Hà Nội có nơi đã tăng ít nhất gấp 2 lần.
Gần đây nhất là thông tin kết quả cuộc đấu giá đất tại KĐT mới Thủ Thiêm hôm 10/12 của Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt, với giá trung bình là 2,45 tỉ đồng/m2 đất – cao gấp 8 lần mức giá khởi điểm. Kết quả cuộc đấu giá này ít nhiều sẽ tác động đến việc giá bất động sản ở các Khu đô thị mới sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Sự tăng trưởng này của thị trường BĐS chỉ vừa bắt đầu. Theo thống kê mới của trang Batdongsan cho biết, nhu cầu đầu tư địa ốc của người dân trong 2022 rất lớn. Khảo sát nhanh 1.000 người mua nhà của trang này cho thấy, 92% phản hồi sẽ tiếp tục đầu tư bất động sản trong năm sau. Trong đó, 77% nói rằng việc mua nhằm sở hữu thêm nhà, chỉ 23% cho biết là mua thay thế. 44% người nói sẽ mua trong 1-2 năm tới, 32% cho biết sẽ đầu tư trong 3-5 năm. Với các xung lực mạnh mẽ như vậy, nhiều khả năng, BĐS sẽ tiếp tục xác lập những kỷ lục đáng ngạc nhiên trong năm 2022.
Xu hướng đầu tư hiện nay
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, thị trường bất động sản Việt Nam có những thay đổi về xu hướng đầu tư, trong đó đối với thị trường căn hộ chung cư và bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng có xu hướng giảm số lượng giao dịch. Trong khi đó, thị trường đất nền và các dự án nhà ở thấp tầng liền thổ lại được giới đầu tư săn đón.
Anh Nguyễn Quốc Chiến – một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: “Nhu cầu mua bất động sản của người dân không giảm, tuy nhiên với thị trường biến động như hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm bất động sản nhà liền thổ ở những khu đô thị có quy hoạch đồng bộ, gần trung tâm và nhất là những dự án mở bán lần đầu sẽ là ưu tiên số 1. Bởi đa số người dân Việt nam đều có tâm lý sở hữu nhà ở gắn liền với đất làm tài sản tích lũy cho con cháu, ngoài ra việc mua và đầu tư bất động sản liền thổ đều mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với căn hộ”.
Trước đây, người mua nhà thích lựa chọn mua nhà mặt phố ở các quận thị trung tâm, nhất là ở những tuyến phố có khả năng kinh doanh. Nhưng hiện nay, tình hình dịch bênh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm, vì vậy nhu cầu về nhà ở vừa có thể kinh doanh, vừa là nơi để ở và có nhiều không gian cây xanh trong khu đô thị lại là sự lựa chọn đầu tư nhiều người dân.
Tại TP.HCM, xu hướng đầu tư bất động sản cũng dịch chuyển đến các khu vực đô thị mới, những vùng ven trung tâm và những nơi có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tập trung nhiều ….
Tại Hà Nội, xu hướng này đã diễn ra ở nhiều quận/huyện, ở những nơi có quy hoạch và hạ tầng đồng bộ. Ở phía Đông, các sản phẩm đầu tư đang tập trung chủ yếu ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm với các dự án như Vinhomes Ocean Park, …. là những dự án có sản phẩm biệt thự đơn lập, shophouse kinh doanh và đều ở những khu vực kết nối thuận tiện vào trung tâm thủ đô….
Tuyến đường Tây Thăng Long dài 33km nối từ Khu trung tâm KĐT Tây Hồ Tây đến thị xã Sơn Tây với 10 làn xe chạy
Ảnh phối cảnh dự án Avenue Garden (mặt đường Tây Thăng Long – Hà Nội)
Ở phía tây, nhà đầu tư xoay trục vào những dự án gần những nơi quy hoạch trung tâm hành chính, trung tâm thương mại mới của thủ đô như khu vực Mễ Trì, khu vực Tây Hồ Tây và ven trục đường Tây Thăng Long. Đơn cử như khu vực quận Bắc Từ Liêm, dự án Starlake Tây Hồ Tây, dự án KĐT Ngoại Giao Đoàn, dự án Avenue Garden (khu chức năng đô thị Tây Tựu) hay dự án Sunshine Capital Tây Thăng Long là những dự án được nhiều người dân và nhà đầu tư chú ý nhất. Bởi những dự án này đều có quy hoạch đồng bộ, không gian sống xanh, nhiều diện tích đất công viên, cây xanh, được đầu tư xây dựng bài bản bởi những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, ngoài ra điểm chung của những dự án này là đều có trục đường Tây Thăng Long đi qua. Đây là điển hình cho xu hướng lựa chọn sản phẩm đầu tư hoặc mua nhà để ở ngay tại trung tâm của thủ đô Hà Nội.
Theo CafeF.vn – https://cafef.vn/thi-truong-bds-bien-dong-tang-truoc-moi-lo-ngai-lam-phat-20220106170042741.chn