Tin tức

Thị trường BĐS: Nguồn vốn vẫn đổ vào thị trường, địa ốc cho thuê trước áp lực chạm đáy, đỏ mắt tìm nhà giá rẻ ở Hà Nội

Dòng tiền vẫn chảy vào thị trường, một năm ‘lửa thử vàng’ với địa ốc cho thuê, rất khó tìm nhà giá rẻ ở Hà Nội… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Năm 2021 với các đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài khiến cho mọi ngành kinh tế trong đó có BĐS bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Hơn lúc nào hết, BĐS cho thuê đứng trước áp lực lớn do nhu cầu toàn xã hội “chạm đáy” trong đại dịch. Tỷ lệ trống của mặt bằng bán lẻ, nhà phố, phòng chung cư, nhà trọ cho thuê gia tăng do người dân có xu hướng về quê tránh dịch hoặc trả phòng vì thu nhập đứt quãng, không có khả năng chi trả.

Tuy nhiên, trong thời kỳ ảm đạm chung của thị trường, loại hình căn hộ dịch vụ cho thuê lại được kỳ vọng có nhiều điểm sáng khi đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy lẫn yếu tố giá thuê.

Lý giải điều này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho hay, công suất thị trường căn hộ dịch vụ được ghi nhận ổn định theo năm một phần bởi vẫn còn số lượng chuyên gia nước ngoài cố định ở lại Việt Nam làm việc. Bởi vậy, nhu cầu thuê căn hộ lưu trú dài hạn tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực.

Theo CBRE, quý IV/2021 dự kiến sẽ có hơn 6.000 căn hộ dịch vụ được mở bán, giúp nguồn cung mới cả năm đạt khoảng 13.000 căn. Sự phục hồi của thị trường căn hộ dịch vụ được kỳ vọng vào quá trình triển khai tiêm vaccine cũng như tín hiệu khả quan của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển vào Việt Nam.

img-126
Hình ảnh minh họa

Các nhà đầu tư lâu năm đánh giá, căn hộ dịch vụ đáp ứng cả nhu cầu ở và nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí thông qua các tiện tích, dịch vụ cao cấp cho khách hàng. Khác với khách sạn (không có phòng bếp, phòng khách phục vụ nhu cầu cá nhân…) và chung cư thông thường (không có dịch vụ dọn phòng, giặt ủi, ăn uống…), căn hộ dịch vụ đề cao tính cá nhân hoá, vừa đáp ứng nhu cầu ở trong dài hạn, vừa cung cấp những dịch vụ trọn gói.

Đối với các đối tượng là chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam và lưu trú trong khoảng thời gian dài thì căn hộ dịch vụ là sự lựa chọn phù hợp với đầy đủ tiện ích, đảm bảo sự sang trọng, riêng tư mà lại tiết kiệm hơn so với khách sạn.

Sau tác động của dịch Covid-19, xu hướng của căn hộ dịch vụ sẽ chú trọng hơn đến nhu cầu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ như tích hợp trung tâm tập gym, yoga, spa, xông hơi, trị liệu…

Chính vì thế, loại hình căn hộ dịch vụ được dự báo sẽ là một loại hình BĐS cho thuê giàu tiềm năng và dư địa phát triển trong năm 2022 và nhiều năm tới, nhất là khi chưa có nhiều chủ đầu tư lớn tập trung khai thác.

Theo báo cáo thị trường của batdongsan.com, giá rao bán BĐS Hà Nội tăng khoảng 3%, mức độ quan tâm của chung cư theo các phân khúc đều tăng, song ở phân khúc bình dân tăng cao nhất với 43%.
Tuy nhiên, trên thực tế, những căn hộ dự án dưới 1 tỷ đồng vẫn được rao bán nhưng không nhiều, vì thế rất khó để người dân có thể tìm kiếm được những căn chung cư giá tốt, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu về vị trí, tiện ích.Ngoài ra, thị trường hiện vẫn có hàng trăm căn hộ được rao bán với mức giá từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nguồn cung trên thị trường giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Trong khi đó, nhu cầu về BĐS lớn, nhưng dưới tác động của dịch bệnh, các giao dịch thường xuyên bị đứt gãy, gián đoạn.

Việc người dân có nhu cầu tìm mua những căn hộ giá rẻ sẽ có thể xác định được một số kết quả phù hợp, nhưng rất khó để đáp ứng được các tiêu chí mà người mua nhà mong muốn. Cụ thể như: Vị trí không thuận lợi, thiếu đồng bộ về tiện ích hay chất lượng hoàn thiện thấp… Trên thực tế, những căn hộ đáp ứng được tiêu chí này thường là các căn có diện tích rất nhỏ, hay còn được gọi là căn hộ studio.

Từ phía batdongsan.com, đại diện website này nhận định, người mua nhà cần cân nhắc tài chính để lựa chọn những căn hộ phù hợp. Không thể có sản phẩm vừa rẻ lại vừa đáp ứng hết mong muốn. Khi chọn mua, nên lưu ý việc di chuyển, chất lượng hoàn thiện, không nên ham rẻ mua căn hộ đã xuống cấp, có vấn đề về pháp lý, tranh chấp.

Trong tuần qua, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua danh mục 2.497 dự án thu hồi đất; 717 công trình, dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa trong năm 2022 và Nghị quyết về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở nội thành.

Theo đó, 2.497 dự án thu hồi đất trong năm tới có tổng diện tích là 8.523,9ha và 717 công trình, dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa năm 2022 có diện tích 1.256,2ha.

Về việc bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố sẽ được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2022.

Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện sẽ do các quận, huyện bố trí. Trong khi đó, các dự án nằm ngoài ngân sách sẽ do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng trong năm 2022.

Ước tính đến ngày 31/12/2021, Thành phố sẽ thu hồi, giao, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.887 dự án có tổng diện tích 3.463,7ha, đạt 77,46% kế hoạch đề ra.

Tại Hội nghị BĐS Việt Nam 2021 (VRES 2021) với chủ đề “Bắt mạch sức khỏe – Tổng quan thị trường BĐS 2021” diễn ra sáng 13/12 trên nền tảng trực tuyến, điểm lại tổng quan thị trường BĐS năm 2021, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong 11 tháng vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS.

Tuy vậy, trong cái khó chung, thị trường cũng có nhiều triển vọng. Nổi bật là giá BĐS hầu như không giảm, ngược lại, BĐS nhà ở còn tăng từ 5-9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do khan hiếm nguồn cung, trong khi cầu không giảm…

Cùng với đó, giá BĐS công nghiệp cũng tăng từ 3-18%, tùy từng địa phương. BĐS khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn khả quan. Giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt BĐS được kiểm soát.

Đáng chú ý, nguồn vốn “đổ” vào BĐS trong năm 2021 vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng BĐS quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào BĐS đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%)…

Theo ông Lực, hiện dòng vốn vào BĐS vẫn đang trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng mạnh.


Tin mới nhất

LỄ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG TOÀ NHÀ VĂN PHÒNG HẠNG A ORIENTAL SQUARE - BY OS

2024.04.23

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án toà nhà văn phòng Oriental Square

2024.04.16

LỄ KÝ KẾT GIAO ƯỚC THI ĐUA VÀ KHAI XUÂN NĂM 2024

2024.02.19

OSI HOLDING HÀNH HƯƠNG ĐI LỄ ĐẦU NĂM TẠI YÊN TỬ - QUẢNG NINH

2024.02.18

Khởi công cầu bắc qua sông Hồng nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh trong tháng 10 năm nay (2024)

2024.01.30

Khởi công tòa văn phòng hạng A đầu tiên tại khu Starlake Tây Hồ Tây

2024.01.26

Lễ khởi công dự án Oriental Square by OSI tại KĐT Tây Hồ Tây

2024.01.26

Chương Trình Tất Niên 2023 và Đón Chào Năm Mới 2024 Của OSI Holdings

2024.01.26

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023 VÀ ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH 2024

2024.01.25

NGÀY HỘI GIA ĐÌNH OSI HOLDINGS

2023.12.23
26

PAGE TOP