Tín hiệu tích cực về tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn qua Bắc Từ Liêm
(Dân trí) – Với chiều dài 33km, độ rộng 60m, chia thành 10 làn xe và đi qua nhiều quận, huyện ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, đường Tây Thăng Long ngay từ khi triển khai đã thu hút sự chú ý của người dân.
Sau vài năm khởi công, trục đường đã cơ bản hoàn thành một phần trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, tuy chưa hoàn thiện kết nối nhưng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của khu vực này.
Trục đường tây Thăng Long được chia thành 5 đoạn thi công. Trong đó, đoạn 1 dài hơn 2 km từ đường Võ Chí Công đến Phạm Văn Đồng. Đoạn 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng dài 3,2km. Đoạn 3 từ đường Văn Tiến Dũng đến Tây Tựu, Thượng Cát dài gần 3km. Đoạn 4 từ Tây Tựu đến đường vành đai 4, dài khoảng 4,9km. Đoạn 5 từ vành đai 4 đến thị xã Sơn Tây dài hơn 20km.
Đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019, đoạn đường này đã được đặt tên là đường Hoàng Minh Thảo. Đoạn 2 vẫn đang triển khai thi công. Đoạn 3 đã hoàn thiện năm 2020. Đoạn 4 hiện chưa triển khai. Đoạn 5 từ vành đai 4 đến thị xã Sơn Tây chưa dự kiến ngày khởi công.
Đường Tây Thăng Long – Đoạn 1
Đoạn 1 xuất phát từng vị trí nút giao với đường Võ Chí Công, tại khu vực này các dự án tòa nhà chung cư, tòa nhà văn phòng và các nhà ở thấp tầng cao cấp đã được triển khai xây dựng và có nhiều cư dân chuyển về sinh sống.
Hai bên đường là hai dự án đô thị hiện đại và nổi tiếng của thủ đô, ở phía bắc của đoạn đường là khu đô thị Đoàn Ngoại Giao tại Hà Nội, được quy hoạch là khu nhà ở kết hợp xây dựng trụ sở của 13 đại sứ quán các nước trên thế giới. Phía Nam của đoạn đường là khu đô thị Starlake, khu vực có quy hoạch với nhiều tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại 5 sao, trụ sở của 6 bộ ngành chính phủ và các nhà ở thấp tầng cao cấp.
Hiện tại đoạn 1 – đường Tây Thăng Long đã được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, vỉa hè rộng 8m, các cây xanh trên vỉa hè được chăm sóc và chỉnh trang tươi tốt. Khu vực là điểm đầu của trục đường Tây Thăng Long và cũng là cực phía Đông của quận Bắc Từ Liêm trong bản đồ kết nối phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa của quận.
Đường Tây Thăng Long – Đoạn 2
Đoạn 2 – đường Tây Thăng Long (đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng) đang bị chậm tiến độ, theo báo cáo của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tại kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, sáng ngày 5/7/2022. Nguyên nhân chủ yếu là vướng trong công tác giải phóng mặt bằng.
Từ đoạn UBND phường Cổ Nhuế 2 đến đường Phạm Văn Đồng có hàng trăm hộ dân thuộc diện thu hồi.
Khu vực đường Tây Thăng Long đi qua đoạn từ phía sau UBND phường Cổ Nhuế 2 đến đường Phạm Văn Đồng chủ yếu là đất ở.
Mặc dù chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch đề ra, nhưng không vì khó khăn mà dừng lại. Hiện tại, UBND Quận Bắc Từ Liêm tiếp tục công tác xử lý, kết quả đã giải phóng được thêm gần 5.000m2 đất trên trục tuyến đường Tây Thăng Long đi qua. Trong tuần từ ngày 22/8/2022 – 28/8/2022, UBND Bắc Từ Liêm tiếp tục giải quyết các mặt bằng trên trục tuyến đường Phạm Văn Nghị đoạn nối từ Văn Tiến Dũng đến bờ sông Nhuệ…
Đường Tây Thăng Long – Đoạn 3
Ở khu vực đoạn 3 của tuyến đường này, các dự án nhà ở và công trình xây dựng ở hai bên của tuyến đường này cũng đang được các chủ đầu tư triển khai. Trên địa bàn phường Minh Khai, khu liên cơ quan của quận Bắc Từ Liêm đã chính thức đưa vào hoạt động.
Tại ô đất TT6-1 và TT6-3, dự án Avenue Garden đang được chủ đầu tư là CTCP quản lý tài sản Sông Nhuệ và đơn vị phát triển dự án OSI Holdings thi công hoàn thiện. Ngay phía sau dự án là cụm trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) chất lượng cao phường Tây Tựu đã được hoàn thiện và chuẩn bị hoạt động.
Theo các chuyên gia, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Muốn kinh tế phát triển thì kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng phải đi trước một bước. Ngay khi tuyến đường Tây Thăng Long được phê duyệt quy hoạch và triển khai thực hiện, diện mạo đô thị quanh khu vực này đã thay đổi chóng mặt, đời sống người dân được nâng cao hơn, các hoạt động kinh doanh và thương mại cũng phát triển theo sự phát triển của tuyến đường này.
Điển hình nhất là các dự án khu đô thị ven hai bên của tuyến đường như: Dự án KĐT Ngoại Giao Đoàn, KĐT Starlake, KĐT Thành Phố Giao Lưu, Khu chức năng đô thị Tây Tựu và nhiều trụ sở làm việc của bộ ngành chính chủ, đại sứ quán, các trường học, bệnh viện, công viên và khu vui chơi giải trí được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.
Việc hoàn thiện và kết nối tuyến đường Tây Thăng Long này với các quận, huyện ở phía Tây thủ đô Hà nội là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế, giúp đời sống người dân được nâng cao hơn và quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa thủ đô sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Trước mắt, trong giai đoạn ngắn việc thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và giải phóng mặt bằng tại đoạn 2 của tuyến đường này sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quận Bắc Từ Liêm nói riêng và của thủ đô Hà Nội nói chung.
Nguồn: dantri.com.vn